DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Đền Cơ Xá, nằm tại số 4 phố Nguyễn Huy Tự, là nơi thờ phụng Lý Thường Kiệt, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1999.
Publish date 01/01/2020 | 12:30  | Lượt xem: 4296

Đền Cơ Xá – nơi thờ phụng Lý Thường Kiệt (Ảnh sưu tầm)

Đền Cơ Xá còn có tên chữ là “Cơ Xá linh từ” (đền thiêng Cơ Xá), ngoài ra nhân dân địa phương vẫn quen gọi là đình Cơ Xá, nằm tại số 4 phố Nguyễn Huy Tự, là nơi thờ phụng Lý Thường Kiệt, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1999.

Sử cũ chép rằng: Lý Thường Kiệt quê ở làng An Xá (sau đổi là Cơ Xá) có tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt sinh năm Kỷ Mão (1019) khi 23 tuổi Ngô Tuấn xung phong vào đội Thị vệ hầu bên Lý Thánh Tông, được vua tin yêu giao cho trông coi mọi việc trong cung đình. Ông biết khuyên điều tốt, can việc xấu giúp vua nhiều kế sách, tiếng khen đã nức ở nội đình. Năm 1054, ông được giữ chức “Hiệu Úy Thái Bảo” và ban quốc tính họ Lý.

Nhân dân phường Bạch Đằng tổ chức lễ đón nhận
Di tích lịch sử văn hóa đền Cơ Xá Nam, tháng 10 năm 2000

Lý Thường Kiệt là 1 anh hùng dân tộc, một nhà quân sự kiệt xuất có tài thao lược kết hợp với tài chính trị và ngoại giao xuất sắc. Ông đã có công “Phá Tống Bình Chiêm” mở mang,giữ yên bờ cõi và cũng được coi là tác giả của bài thơ bất hủ được coi như là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử dân tộc

Ngày mùng 2 tháng 6 năm Ất Sửu (1105) ông mất tại kinh thành Thăng Long, thọ 86 tuổi. Nhân dân Cơ Xá quê hương ông coi ông là vị anh hùng dân tộc, là người con có công đầu tiên với dân làng, với tổ tiên của Cơ Xá. Ông được dân làng suy tôn là Tổ địa lập đền thờ phụng từ đấy.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, đền Cơ Xá đã có nhiều biến đổi(1), hiện nay công trình kiến trúc này còn có: Nhà tiền tổ, ngoại cung và hậu cung. Tại đến còn lưu giữ được một số di vật có giá trị trong đó có 10 đạo sắc phong từ thời Trần, Lê, Nguyễn, có bức đại tự ghi dòng chữUy đức quang vinh”, ba câu đối cổ ca ngợi thân thế sự nghiệp và đức độ của Lý Thường Kiệt .

Đền Cơ Xá đã được Nhà nước quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô. Hàng năm vào ngày mùng 2 tháng 6 âm lịch, lễ kỷ niệm vị Thái úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt lại tổ chức để tưởng nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc này.

(1) Cuối năm 1946 đến năm 1947, trong những ngày đầu kháng chiến bảo vệ Thủ đô, thực dân Pháp đã đốt phá tiêu hủy đền. Nhân dân địa phương đã đóng góp xây dựng lại đền.