CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ

Hà Nội thí điểm sổ sức khỏe điện tử trên VneID: lợi cả đôi đường
Publish date 24/12/2024 | 10:27  | Lượt xem: 37

 

Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành triển khai thí điểm sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID, giúp các cơ sở y tế chia sẻ dữ liệu của bệnh nhân, giảm thiểu giấy tờ người bệnh phải mang theo, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB).

Đến nay, nhiều bệnh viện (BV) tại TP đã liên thông dữ liệu trên ứng dụng này, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân KCB.

Người dân hưởng lợi

Từ tháng 11/2023, Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử và sổ sức khỏe điện tử trên nền tảng VNeID. Đến nay, TP đã ban hành, hoàn thiện hiệu chỉnh hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử thí điểm với 73 trường thông tin; đã xác minh được hơn 6,3 triệu người dân trên toàn TP.

Tính đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế (BHYT) của 50 BV, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế. Các cơ sở KCB đã liên thông, đồng bộ được hơn 4 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

Trong đó, các BV bộ, ngành T.Ư trên địa bàn TP thực hiện 1.677.558 hồ sơ; các BV công lập trực thuộc TP thực hiện 2.846.576 hồ sơ. Số lượng người dân Thủ đô có sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID là 1.760.822, đạt tỷ lệ 25,57%.

Qua ghi nhận cho thấy, tại nhiều BV, người dân đi KCB chỉ cần mang theo điện thoại thông minh có cài đặt VneID thay vì phải xuất trình thẻ BHYT và căn cước công dân (CCCD). Không chỉ vậy, người dân có thể tra cứu thông tin sức khỏe, giấy khám lại, giấy chuyển tuyến trên sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại BV Đa khoa Xanh pôn. 

Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại BV Đa khoa Xanh pôn. 

Theo lịch hẹn trước, chị Khổng Thu Hằng (42 tuổi, quận Bắc Từ Liêm) đến BV Đa khoa Xanh Pôn kiểm tra sức khỏe. Qua ứng dụng VNeID, chị thực hiện thủ tục đăng ký khám nhanh chóng, không cần phải mang theo hồ sơ bệnh án cũ.

Bởi trên ứng dụng đã có sẵn thông tin từ những lần khám trước của chị. Qua đó, bác sĩ có thể nắm rõ được quá trình điều trị của bệnh nhân. “Khi sử dụng ứng dụng VNeID này, tôi không cần phải mang hồ sơ lịch sử khám của các đơn vị khác như trước đây" - chị Hằng cho hay.

Đến BV Đa khoa Đức Giang đăng ký KCB liên quan đến bệnh về đường hô hấp, ông Nguyễn Văn Hân (65 tuổi, quận Long Biên) chia sẻ, việc xuất trình giấy tờ qua ứng dụng VNeID rất tiện lợi, đặc biệt khi quên mang thẻ BHYT hay CCCD.

Quảng cáo

“Nay tôi đi KCB chỉ cần mang điện thoại, thay vì phải cầm theo nhiều loại giấy tờ khác nhau, giúp giảm rủi ro mất mát giấy tờ nhỏ và dễ thất lạc” – ông Hân cho hay.

Cơ sở y tế dễ dàng chia sẻ dữ liệu bệnh nhân

TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho biết, qua triển khai tiếp nhận KCB BHYT trên ứng dụng VneID cho thấy, với người dân, việc giảm bớt giấy tờ mang theo khi đi KCB và quản lý thông tin sức khỏe cá nhân liên tục, suốt đời giúp họ chủ động phòng bệnh và tiết kiệm chi phí. Với BV, các bác sĩ có thể nhanh chóng truy cập thông tin bệnh án, tiền sử bệnh tật của bệnh nhân, giảm thời gian tiếp nhận và nâng cao hiệu quả điều trị.

“Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID giúp các cơ sở y tế dễ dàng chia sẻ dữ liệu bệnh nhân, qua đó nâng cao chất lượng KCB. Ứng dụng này còn giúp tiết kiệm chi phí và hạn chế lãng phí khi tránh lặp lại các xét nghiệm hoặc thủ tục ở nhiều cơ sở y tế” - TS Nguyễn Văn Thường nhận định.

 Người bệnh đăng ký  KCB BHYT qua ứng dụng VNeID tại BV Đa khoa Đức Giang.

 Người bệnh đăng ký  KCB BHYT qua ứng dụng VNeID tại BV Đa khoa Đức Giang.

Đồng quan điểm, TS Lương Đức Dũng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết, khi có dữ liệu sức khỏe điện tử trên VNeID, người dân không cần phải mua sổ y bạ, các kết quả xét nghiệm, giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám cũng không cần phải in ra, lưu trữ, giúp tiết kiệm nhiều chi phí.

Sau mỗi lần KCB, hồ sơ bệnh án sẽ được các cơ sở y tế liên thông với cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT để tiếp tục cập nhật trên sổ. Các dữ liệu về KCB bao giờ cũng phải đảm bảo tính chính xác, đem lại hiệu quả về quản lý kinh tế, nhân lực, quản lý BV một cách tốt hơn.

TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này, Hà Nội đã có 10/42 BV công lập triển khai bệnh án điện tử. Qua đó, tạo môi trường làm việc số, tư duy số, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân KCB. Thời gian tới, sẽ tiếp tục có thêm nhiều BV triển khai bệnh án điện tử trong KCB giúp việc quản lý hồ sơ sức khỏe người dân dễ dàng, thuận tiện hơn.

Theo Bộ Y tế, đến nay đã có hơn 32 triệu sổ sức khỏe điện tử được tạo lập, trong đó hơn 14 triệu công dân đã tích hợp vào VNeID. Tuy nhiên, theo TS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế, hiện ngành y tế mới chỉ triển khai thí điểm trong khối cơ sở KCB BHYT. Tới đây10, ngành y tế sẽ mở rộng ra các cơ sở y tế chưa đăng ký với cơ quan bảo hiểm và những người không có thẻ BHYT. Để có cơ sở dữ liệu thống nhất trên toàn quốc, dữ liệu của những trường hợp này cần phải liên thông.

Thời gian tới, Bộ Y tế dự kiến tích hợp thêm thông tin tiêm chủng, đồng bộ kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh trên VNeID. Theo tính toán, sổ sức khỏe điện tử VNeID được triển khai rộng rãi sẽ giúp tiết kiệm hơn 1.150 tỷ đồng/năm chi phí mua sổ y bạ.

Mục tiêu đặt ra đến sau năm 2025, mỗi người dân Việt Nam, kể cả người chưa có thẻ BHYT đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và 1/3 người dân khi đi KCB có bệnh án điện tử. Đây là bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số y tế, góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nguồn: Báo Kinh tế đô thị