CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Sáng 4-11, thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đánh giá phòng, chống lãng phí là chủ trương đúng và trúng với thực tế hiện nay.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) đồng tình với các hạn chế đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ, trong đó đại biểu quan tâm đến việc chống lãng phí trong bộ máy công quyền; trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quốc hội giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gần đây nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí.
Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng.
“Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. Bài viết đánh giá, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, tình trạng này có những nguyên nhân chủ yếu sau: Còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý, lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội; có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian.
Bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, tư duy chủ quan của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành mình vào trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng do cách làm cán bộ, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình phụ thuộc nên một số dự án mới đem lại hiệu quả không mong muốn; chế tài xử lý lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao, pháp luật liên quan đến chống lãng phí chủ yếu mang tính cảnh báo, nhắc nhở, tính răn đe chưa cao…
Còn đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, cần sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Đưa ra thực trạng hiện nay việc sử dụng nguồn lực đất đai chưa theo kịp nhu cầu, tiềm năng, cơ hội của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có sự chuyển biến chậm ở một số ngành, lĩnh vực trong sắp xếp, đổi mới, sắp xếp lại cơ sở nhà đất, trụ sở công… đại biểu cho rằng đã đặt ra vấn đề lớn trong tiết kiệm, chống lãng phí nguồn lực.
Đóng góp vào báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, nhấn mạnh vấn đề từ năm 2021 đến tháng 8-2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng đây là một con số rất lớn.
Đại biểu cho rằng, những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp; làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
“Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.