BẢN ĐỒ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH BẢN ĐỒ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

Giới thiệu chung - Phường Bạch Đằng - Quận Hai Bà Trưng - Thành phố Hà Nội
Publish date 01/01/2020 | 13:30  | Lượt xem: 10319

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ PHƯỜNG BẠCH ĐẰNG

Phường Bạch Đằng là một trong hai mươi phường thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Diện tích gần 1 km²  với số dân 20462 người, sinh hoạt ở 13 tổ dân phố. Phía Bắc của phường giáp phường Phan Chu Trinh và phường Chương Dương, phía Nam giáp phường Thanh Lương, phía tây giáp phường Đống Mác, phường Phạm Đình Hổ và phía Đông giáp sông Hồng.

Bản đồ địa giới hành chính Phường Bạch Đằng

Địa bàn phường có các phố và ngõ: Lương Yên, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Tự, Vân Đồn, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo (1 đoạn), Trần Thánh Tông, Trần Khánh Dư, Tây Kết, Nguyễn Khoái, Lãng Yên, Đường 158… và các ngõ 25, 35 (Vạn Kiếp), ngõ 31 Nguyễn Cao, ngõ 47, 44, 51, 53, 55 Nguyễn Khoái…, hầu hết các phố trên địa bàn phường đều gắn với tên các danh nhân và các địa danh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.

Trên địa bàn phường có 2 bệnh viện: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu Nghị, có Nhà tang lễ quốc gia, 2 trung tâm cai nghiện và nhiều cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn.

Về cơ sở giáo dục, trên địa bàn phường có 1 trường Tiểu học Lương Yên, 1 trường Trung học cơ sở Lương Yên, 3 trường mầm non là Lê Quý Đôn, Hoa Thủy Tiên, Bạch Đằng, ngoài ra còn có nhiều nhóm, lớp mầm non tư thục.

Các dãy nhà tập thể là nét đặc trưng, nhà tập thể cổ xưa trên địa bàn phường còn rất nhiều như tập thể Bệnh viện Hữu Nghị, tập thể Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tập thể Công ty Vận tải thủy, tập thể Nhà máy xay Lương Yên, tập thể Bộ đội Biên phòng, tập thể Công ty điện lực, tập thể Nhà máy nước Lương Yên, tập thể Bộ y tế, tập thể Bộ thương mại… hầu hết đều là khu tập thể của các cơ quan đóng trên địa bàn phường.

Phường Bạch Đằng có 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Trên mảnh đất Bạch Đằng xưa có làng Đồng Nhân, thời Lý thuộc phường Bố Cái bên bờ sông Hồng. Từ thời Nguyễn về trước là bãi Đồng Nhân (còn gọi là Đồng Nhân Châu) thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam thuộc tỉnh Hà Nội với địa thế “Thượng giáo Cơ Xá, đông giáp sông Hồng, tây giáp Lương Yên, nam giáp Thanh Trì”. Cuối thế kỷ XIX, sau khi đánh chiếm Hà Nội, năm 1889, thực dân Pháp thành lập “Khu vực ngoại thành Hà Nội” gồm một phần đất còn lại của 2 huyện Vĩnh Thuận, Thọ Xương và một số xã thuộc Từ Liêm, Thanh Trì, Đồng Nhân bãi thuộc ngoại thành. Năm 1915, ngoại thành đổi thành huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, năm 1942 mới lại thuộc
Hà Nội.

Từ ngày thành lập phường đến nay, tuy địa giới hành chính vẫn như ban đầu, nhưng trải qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, cảnh quan toàn phường đã có nhiều thay đổi. Trong quá trình đô thị hóa, kết cấu hạ tầng của phường như đường giao thông, điện, nước, hệ thống thoát nước… từng bước được xây dựng, củng cố đến từng cụm dân cư. Nhiều nhà cửa được xây dựng và cải tạo, nhất là trên các trục phố chính như Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Tự, Bạch Đằng, Lương Yên; nhiều khu nhà tập thể của các cơ quan, đơn vị được xây dựng, trụ sở cơ quan, bệnh viện, các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trường học được cải tạo xây mới, đầm hồ ngoài bãi ven sông Hồng được san lấp, thay vào đó là những công trình công cộng và nhà cao tầng,… Đáng chú ý trên địa bàn phường có Cảng Hà Nội chính thức được thành lập từ năm 1965, chạy dài hàng kilomet trên đường Bạch Đằng đến Vĩnh Tuy. Năm 1987, Cảng được mở rộng có 8 cầu cảng lớn, bốc xếp chủ yếu bằng cơ giới, kho bãi có sức chứa rộng trên 14.000 m², năng lực bốc xếp trên 1,3 triệu tấn/năm. Cạnh đó là bến Bạch Đằng còn gọi là bến Phà Đen từ đường Vân Đồn đi ra. Ngay từ trước ngày 10/10/1954, bến này đã là nơi giao lưu kinh tế giữa Hà Nội và các tỉnh. Ngày 11/7/1972, các tuyến vận tải thủy được mở lại: tàu thủy đi Hưng Yên (65km), Nam Định (108km), Thái Bình (127km) và từ năm 1983 có thêm tàu thủy đi Việt Trì (65km), Nam Định (108km), Thái Bình (127km) và từ năm 1983 có thêm tàu thủy đi Việt Trì (65km),…

Người dân Bạch Đằng xưa (hay còn gọi là dân Cơ Xá) sinh sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm là chính, đến thời thuộc Pháp là một làng ven nội, ngoài nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm và một số ít đi làm thợ, công chức nhỏ cho các cơ quan, nhà máy trong thành phố, một số ít là thợ thủ công, làm nghê tự do như nghề cắt tóc, bồi bếp, kéo xe, khuân vác, buôn thúng bán bưng.. trong đó có cả một số ít dân ngụ cư ở các tỉnh lân cận kéo về làm ăn, sống chui rúc trong các căn nhà “ổ chuột” ở các xóm ngõ tối tăm, bùn lầy nước đọng ven sông…

Sau ngày Thủ đô giải phóng (10/10/1954), đặc biệt là từ khi bước vào thời kỳ đổi mới đất nước theo đường lối của Đảng, quá trình đô thị hóa của Bạch Đằng đã diễn ra nhanh, cơ cấu dân cư trên địa bàn phường cũng có nhiều biến đổi, ngoài những người dân gốc làng Cơ Xá, Đồng Nhân xưa, đến nay đã có nhiều dân là cán vộ viên chức các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang và người dân lao động ở nhiều địa phương khác đến cư trú làm ăn sinh sống. Tất cả các tầng lớp nhân dân sống trên địa bàn đều coi Bạch Đằng như quê hương mình và cùng nhau chung sức xây dựng phường về mọi mặt.