HOẠT ĐỘNG ĐẢNG - ĐOÀN THỂ HOẠT ĐỘNG ĐẢNG - ĐOÀN THỂ

Thanh toán không dùng tiền mặt: Đã thành thói quen
Publish date 15/11/2024 | 16:28  | Lượt xem: 231

 

Từ phố xá đến các vùng thôn quê ở Hà Nội, từ những giao dịch quan trọng như thanh toán hoá đơn điện nước, các dịch vụ hành chính cho đến các khoản chi trả nhỏ cho cốc trà đá hay bó rau, cọng hành… người mua, người bán đều đã quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

 

13c56bbdae10164e4f01.jpg
Khách hàng thanh toán đồ uống bằng quét mã QR. Ảnh: D.Hiệp

Thanh toán không tiền mặt ở mọi nơi

Từ ngày 10-10-2024, mô hình “Tuyến phố thương mại 4.0 - không dùng tiền mặt” được thực hiện điểm tại phố Trung Hòa (quận Cầu Giấy). Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, tuyến phố này được chọn bởi đây là khu vực phát triển, với đầy đủ các tiện ích xã hội, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, phục vụ lượng lớn người dân sinh sống và làm việc.

Khi được tuyên truyền, tập huấn, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên tuyến phố đều nhất loạt đồng tình, bởi thực tế việc thanh toán không dùng tiền mặt đã quá phổ biến với cả người mua và người bán trong suốt thời gian qua.

“Giờ chẳng còn mấy ai thanh toán bằng tiền mặt nữa. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, quét mã QR, việc thanh toán diễn ra trong chưa đầy một phút, nhanh gọn và quá tiện lợi. Khách hàng có thể mua đủ thứ mà không lo phải cầm theo ví tiền, lúc nhớ lúc quên, đôi khi còn lo rơi mất. Còn người bán cũng không bận lòng việc trả lại tiền thừa hoặc phải gom tiền lẻ để trả lại cho khách…”, chị Hoài Anh, chủ một cửa hàng hoa trên phố Trung Hòa cho biết.

Ngay sau khi phát động, 100% cơ sở kinh doanh đã khai báo và nộp thuế trực tuyến, cài đặt eTax mobile (ứng dụng thuế trên thiết bị di động). 100% cơ sở cung cấp wifi miễn phí cho khách hàng. 70% cơ sở sử dụng hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền. 100% cơ sở kinh doanh có ít nhất 1 tài khoản ngân hàng và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 70%...

Trước tuyến phố Trung Hoà, từ tháng 10-2023, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hà Nội và Sở Công Thương tổ chức sự kiện "Phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm".

Đây là quận đầu tiên trên địa bàn thành phố được chọn để thí điểm xây dựng các tuyến phố không dùng tiền mặt. Tiếp đó, tại phường Quảng An, vào đầu năm 2024, quận Tây Hồ đã gắn biển công trình “Tuyến phố văn minh thương mại - thanh toán không dùng tiền mặt và bảo đảm an toàn thực phẩm” khu vực phủ Tây Hồ.

Không chỉ ở các quận nội thành, nhằm hướng tới hoàn thiện các tiêu chí văn minh đô thị, văn minh thương mại; đồng thời hưởng ứng chuyển đổi số, một số huyện ngoại thành, như Ba Vì, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Mê Linh… cũng đã chọn những điểm chợ truyền thống để ra mắt mô hình “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt”.

“Mô hình được thực hiện tại chợ Bún, xã Phụng Thượng, nhằm tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân mua, bán thuận tiện khi thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại hay ứng dụng internet banking... Từ việc thí điểm, mô hình sẽ sớm được nhân rộng trên toàn huyện trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cũng chia sẻ, nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, các điểm kinh doanh áp dụng miễn, giảm phí, khuyến mại, giảm giá… cho người dùng.

a.jpeg
Một điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt trên phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm).
Ảnh: Tuấn Khải.

“Chạy đà” cho kinh tế số

Không chỉ phổ biến trong lĩnh vực tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt còn được áp dụng đối với các dịch vụ công. Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, đến tháng 5-2024, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt tại Hà Nội đã đạt 100%. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, khách hàng có thể dễ dàng và nhanh chóng sử dụng tính năng thanh toán tiền điện qua website, ứng dụng EVNHANOI, Cổng dịch vụ công quốc gia, các ví điện tử…

Còn từ tháng 4-2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt. Đến nay, thành phố đã triển khai 64 điểm đỗ xe thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó quận Hoàn Kiếm dẫn đầu với 24 điểm.

Tại các điểm trông giữ xe máy tại phố Triệu Quốc Đạt hay điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại gầm cầu Chương Dương, trông giữ xe ô tô ở phố Nguyễn Hữu Huân, Lê Thánh Tông, Lý Thái Tổ… chủ các phương tiện hài lòng với các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt và không còn lo ngại bị thu quá giá quy định.

Đáng lưu ý, tại bộ phận "một cửa" các cấp, từ ngày 1-6-2024 đều khuyến khích các giao dịch không dùng tiền mặt. Theo Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Đan Phượng Trịnh Thị Thu Thủy, công chức bộ phận "một cửa" tại UBND huyện và các xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Điều thuận lợi là đa số người trẻ hiện nay đều sử dụng điện thoại thông minh và quen với việc thanh toán trực tuyến. Chỉ một số ít người còn bỡ ngỡ, đã được công chức bộ phận "một cửa" tận tình hướng dẫn. Đến nay, tại bộ phận "một cửa" UBND huyện, tỷ lệ người dân thanh toán các loại phí, lệ phí không dùng tiền mặt đạt 100%.

Theo Kế hoạch số 239/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng 2030, thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua đã được triển khai sâu rộng, lan tỏa và diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh, như: Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử ước đạt 45%; tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 96,67%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 99,9%…

Với những kết quả đã đạt được thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, việc phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR và thanh toán qua di động đã mang lại nhiều lợi ích. Thanh toán thông minh giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao tính an toàn và tiện lợi cho người dân, giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả hơn và hỗ trợ chính quyền thành phố trong việc quản lý ngân sách, thu chi minh bạch.

Thanh toán không dùng tiền mặt là "bước chạy đà" thúc đẩy phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và thúc đẩy chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực ở Thủ