DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Miếu thờ Hai Bà Trưng - được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa năm 1993 - Địa chỉ: 680 Bạch Đằng
Ngày đăng 01/01/2020 | 09:30  | Lượt xem: 6267

Miếu thờ Hai Bà Trưng được nhà nước xếp hạng
Di tích lịch sử - văn hóa năm 1993 -
680 Bạch Đằng

Miếu thờ Hai Bà Trưng, tọa lạc tại địa chỉ 680 Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, nhân dân còn gọi địa danh của địa phương là miếu Đồng Nhân được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1993.


 

 

 

 

  

        Miếu thờ Hai Bà Trưng thuộc loại kiến trúc tôn giáo và lưu niệm danh nhân được xây dựng nên do một huyền tích:"Sau khi gieo mình xuống sông Hát (Hát Giang), Hai Bà Trưng hóa thành tượng đá rực sáng, trôi xuôi đến bãi Đồng Nhân ...Vua Lý Anh Tông biết chuyện cho người đón rước nhưng không được. Dân làng Đồng Nhân lấy vải đỏ ra đón thì được. Tượng đá lớn và nặng, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay trỏ lên trời, một chân quỳ, một chân ngả. Vua bèn truyền cho dân làng ấy lập đền thờ hai cỗ tượng trên sông .. Đó là vào tháng giêng năm Canh Thìn (1160) (theo Trưng Vương lưỡng vị Thánh sắc và Đại Việt Sử ký toàn thư).

            Miếu có từ thế kỷ XII, năm 1819, đời Gia Long thứ nhất bãi Đồng Nhân bị lở, dân làng Đồng Nhân được phép rời đền Hai Bà Trưng đến làng Hoa Viên (sau đổi là Hương Viên) thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương, dựng trên nền tập võ sở của triều Lê cũ (thuộc phường Đồng Nhân ngày nay). Sau khi đền Đồng Nhân được xây dựng ở Hương Viên, nhân dân Đồng Nhân bãi vẫn dựng miếu thờ Hai Bà Trưng. Hồi đầu miếu được chuyển về đầu làng, sau này thực dân Pháp chiếm Hà Nội khai thác đất sông Hồng lấp sình lầy để xây dựng Viện Pasteur và khu Đồn Thủy, dân làng lại chuyển miếu vào giữa làng ở vị trí hiện nay.

          Miếu Hai Bà Trưng nằm sát đường Bạch Đằng, quay mặt ra sông Hồng trên một khu đất rộng 400m2, cách biệt với khu dân cư bằng tường gạch bao quanh. Miếu gồm có tam quan, trụ biểu và miếu thờ hình chuôi vồ. Đáng chú ý trên các trụ biểu đắp nổi 4 chữ Hán "Hùng liệt tinh linh" nghĩa là "Hồn thiêng anh hùng lẫm liệt" .

          Tại miếu Hai Bà Trưng hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như hương án, long ngai, long đình với nhiều trang trí hoa văn đẹp; một quả chuông đúc bằng gang cao 0,77 mét, đường kính 0,38 mét, xung quanh chuông khắc nổi hàng chữ “Hồng Khánh tự chung”, đạo sắc phong năm Chính Hòa (1680) … Ngoài ra, trên tường miếu thờ còn 4 câu đối với nội dung ghi nhớ công tích Hai Bà Trưng, trong đó có câu: “Thế thượng anh linh khám viết mẫu. Nhân gian cảm ứng thị như sinh”, dịch nghĩa: “Sự sáng suốt linh thiêng đáng để người đời gọi là Mẹ. Sự linh ứng trong nhân dân khiến tưởng như vẫn còn còn sống mãi” v.v..

          Miếu Đồng Nhân là nơi thờ tưởng niệm Hai Bà Trưng thể hiện tấm lòng của nhân dân Đồng Nhân trải qua gần hai ngàn năm vẫn còn sống động, dù cho vật đổi sao dời, bờ sông sụt lở, miếu đền dời đổi, chia tách, dân bãi Đồng Nhân dẫn kiên trì chống chọi với sự tàn phá của thiên nhiên và bom đạn của giặc trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược để giữ gìn chốn gốc của huyền tích(1).

            Do sự gắn kết thờ phụng Hai Bà Trưng nên miếu Hai Bà Trưng tuy quy mô nhỏ bé, khiêm nhường nhưng có giá trị lịch sử gắn bó với đền Đồng Nhân, thể hiện tấm lòng của người dân Thủ đô ngưỡng vọng hai vị nữ vương anh hùng dân tộc.

                                         Lễ kỷ niệm 1977 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

          Hàng năm vào ngày 5 tháng 2 âm lịch, nhân dân Đồng Nhân bãi và nhân dân Đồng Nhân trong phố cùng làm lễ thờ cúng Hai Bà Trưng. Lễ hội truyền thống rước nước tiến hành rất trọng thể. Nhân dân rước kiệu từ đền Đồng Nhân về miếu Hai Bà Trưng vào buổi sáng, dừng kiệu tại miếu, đem đôi ché xuống thuyền rồng bơi ra giữa dòng sông Hồng lấy nước. Sau khi làm lễ tại miếu Hai Bà Trưng đến chiều lại rước nước về đền Đồng Nhân để làm lễ Mộc Dục (lễ tắm tượng)(2).   

(1) Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, miếu Hai Bà Trưng là nơi đặt Trạm y tế phục vụ chiến đấu của địa phương)

(2) Tham dự Hội đền Đồng Nhân thường có đại biểu của làng Phụng Công bên kia sông Hồng, là “Chạ kết nghĩa” do tương truyền khi kéo tượng Hai Bà Trưng ở sông lên có 38 người làng Phụng Công đi chợ kinh thành cùng tham gia)