CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ

Giải quyết thủ tục hành chính với tinh thần lấy người dân là đối tượng phục vụ, là chủ thể sáng tạo
Ngày đăng 23/10/2024 | 08:55  | Lượt xem: 77

HNP - Ngày 17/10, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 1921-TB/TU kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2024.

Theo đó, Thường trực Thành ủy thống nhất kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Đối với việc tiếp tục triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, Thường trực Thành ủy nhấn mạnh việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và không có điểm dừng. Vì vậy, Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU và Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 14/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Trong đó, lưu ý chú trọng quán triệt 25 biểu hiện nêu trong Chỉ thị 24-CT/TU, gắn với đánh giá cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ 06 nhóm giải pháp trong Chỉ thị số 24-CT/TU và các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch số 171-KH/TU, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc, nhất là quy trình giải quyết công việc nội bộ của từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị theo Kết luận số 82-KL/TW, ngày 16/8/2010 của Bộ Chính trị khoá X về cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng; quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị bảo đảm chặt chẽ, thông suốt, hiệu quả.

Giải quyết thủ tục hành chính với tinh thần lấy người dân là đối tượng phục vụ, là chủ thể sáng tạo- Ảnh 1.

Giải quyết thủ tục hành chính với tinh thần lấy người dân là đối tượng phục vụ, là chủ thể sáng tạo (Ảnh minh họa)

Tập trung rà soát, đánh giá, đề ra các giải pháp phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, tổ chức vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố vừa được HĐND Thành phố thông qua tại Kỳ họp thứ 18.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, việc chấp hành các quy định tại cơ quan, đơn vị và thực hiện chức trách, nhiệm vụ trên những lĩnh vực, như: Quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý các dự án đầu tư tài chính, ngân sách...

Tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện, bổ sung các quy định của Thành ủy về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của Thành phố (tiếp tục sửa Quy chế 09-QC/TU, Quy định 12-QĐ/TU và Quy chế 06-QC/TU của Thành ủy); tiếp tục cụ thể hóa quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cho sự phát triển của Thủ đô.

Ngày 11/10/2024, Thành phố đã tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô, đây là Bộ luật quan trọng, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 762/QĐ-TTg ngày 02/8/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô. Vì vậy, đề nghị Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai ngay việc cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 gắn với công tác cải cách bộ máy, biên chế và phân cấp ủy quyền.

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo", trọng tâm là công tác điều động, luân chuyển cán bộ theo Kế hoạch số 188-KH/TU ngày 06/11/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy, đồng thời có những biện pháp hiệu quả, thiết thực và phù hợp để đánh giá cán bộ phải thực sự dân chủ, công khai, đúng người, đúng việc; kịp thời có những phương án giải quyết hiệu quả những trường hợp cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vi phạm Chỉ thị 24-CT/TU để thực hiện xử lý, thay thế, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác kịp thời; tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa các biểu hiện nhận diện trong Chỉ thị số 24-CT/TU phù hợp với tình hình mới.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Về thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch năm 2024, 2025 cấp Thành phố: Trên cơ sở việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 và kế hoạch đầu tư công trung hạn mà Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐND Thành phố vừa mới thông qua, đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn tất hồ sơ, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và tiến độ giải ngân, bảo đảm cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố và kế hoạch đầu tư công trung hạn đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp thực hiện kỷ cương trong đầu tư công khẩn trương có giải pháp cụ thể để phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 của Thành phố đạt được kết quả cao nhất; trong đó đặc biệt quan tâm, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các thủ tục phê duyệt thiết kế thi công - dự toán, tổ chức đấu thầu, khởi công để đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân kế hoạch vốn…

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện một số nội dung: Các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy tiếp tục nâng cao nhận thức và đổi mới mạnh mẽ tư duy về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0, xây dựng thành phố thông minh để đáp ứng được mục tiêu là chuyển đổi số phải rút ngăn được quy trình, thủ tục giải quyết công việc; minh bạch, công khai quá trình phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính với tinh thần người dân vừa là đối tượng phục vụ vừa là chủ thể sáng tạo.

Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy liên quan, xây dựng chính sách, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số. Chủ động áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật và ban hành quy trình, quy chế đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển đô thị thông minh, thành phố thông minh và giao thông thông minh.

Về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh, tiếp tục duy trì và phát triển hạ tầng CNTT, hạ tầng số của Thành phố, như: Trung tâm Dữ liệu, Trung tâm Điều hành thông minh trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo an toàn thông tin mạng tạo nền tảng chuyển đổi số phục vụ quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Về phát triển kinh tế số và xã hội số: Đẩy mạnh phát triển 04 loại hình doanh nghiệp công nghệ số, trong đó tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ban hành cơ chế đặc thù thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn Thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Phấn đấu đạt tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố Hà Nội đạt 30% như Nghị quyết đã đề ra, đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế trong đó công nghiệp CNTT, doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp công nghệ số là 3 trụ cột để tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp của Thành phố ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Chú trọng các mục tiêu chủ yếu triển khai Đề án 06 trên địa bàn Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với tất cả các dịch vụ, tiện ích; tiết giảm chi phí (về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ); kiểm soát rủi ro, đẩy lùi tiêu cực, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng số, nền tảng sổ, dữ liệu số; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.