VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Hà Nội: Từng bước đưa vào “quỹ đạo”
Ngày đăng 19/05/2022 | 09:28  | Lượt xem: 203

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Sau một tháng đồng loạt ra quân kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 (từ ngày 15-4 đến 15-5), các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã kịp thời chấn chỉnh từ những vi phạm nhỏ nhất. Qua đó, từng bước đưa công tác này vào “quỹ đạo”.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra tại nhà hàng Thọ Gù, xã Châu Can (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Thu Trang

Xử lý nhiều vi phạm

Từ ngày 15-4 đến hết ngày 15-5, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 tại 30 quận, huyện, thị xã. Nhìn chung, sau một tháng ra quân triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm theo tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố.

Cùng với đó, qua kiểm tra trên thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, theo đánh giá của các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội, ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại không ít sai phạm.

Cụ thể, trong một tháng ra quân, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra gần 40 cơ sở sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể, nhà hàng, cơ sở trồng rau, giết mổ. Qua đó, các đoàn kiểm tra của thành phố đã giao cho UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục làm việc và xử lý vi phạm hành chính đối với 14 cơ sở với số tiền phạt gần 100 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn; chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý; nơi chế biến thực phẩm của cơ sở có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, kiểm thực 3 bước (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu) không đúng quy định; không bảo quản thực phẩm riêng biệt, dẫn đến ô nhiễm chéo; khu vực bếp (trần nhà, nền…). Đơn cử như tại nhà hàng Đồng Quan (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn), tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội đã phát hiện khu vực chế biến của nhà hàng chưa được vệ sinh bảo đảm theo quy định; khu sơ chế xuống cấp; tủ đựng bát đũa không có lưới chống côn trùng. Ngoài ra, các tủ bảo quản đông lạnh cũ, hoen rỉ không được vệ sinh định kỳ; một số loại gia vị dùng để chế biến món ăn không có nhãn mác ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Còn khi kiểm tra tại nhà hàng Thọ Gù (xã Châu Can, huyện Phú Xuyên), Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 phát hiện nhà hàng chưa xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc của nguyên liệu thực phẩm; rượu đóng chai cũng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ…

Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra

Ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, trong những năm gần đây, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, kết thúc đợt cao điểm của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục được duy trì xuyên suốt và liên tục trong cả năm. Không chỉ thanh, kiểm tra theo kế hoạch, theo chuyên đề, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm từ thành phố, các sở, ngành đến các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn còn tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, trong đó tập trung kiểm tra nguồn gốc của sản phẩm, từ khâu nuôi trồng, chế biến, lưu thông thực phẩm.

Là địa bàn có gần 1.200 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, 107 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 813 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, trong thời gian tới, huyện Chương Mỹ sẽ chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tiêu dùng hàng hóa có chất lượng cho người dân. Bên cạnh đó, huyện sẽ tổ chức thực hiện hậu kiểm các cơ sở đã kiểm tra, nhưng chưa đạt về quy định an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các bếp ăn tập thể trường học, bếp ăn tại các khu, điểm công nghiệp; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở kinh doanh thực phẩm ở các chợ…

Còn đối với quận Bắc Từ Liêm, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, quận tiếp tục duy trì thực hiện tốt các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, như: Mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm; cải thiện an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thông qua việc duy trì mô hình xây dựng tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát…

“Khi phát hiện vi phạm, các đoàn kiểm tra phải xử lý đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả”, ông Đặng Thanh Phong lưu ý.

Nguồn: hanoimoi.com.vn