VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Bước tiến quan trọng giúp xây dựng công dân số, xã hội số và Chính phủ số
Publish date 27/10/2022 | 09:27  | Lượt xem: 282

Nghị định 59 của Chính phủ quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có hiệu lực từ ngày 20-10. Đây là một bước tiến rất quan trọng giúp xây dựng công dân số, xã hội số và Chính phủ số.

Bước tiến quan trọng giúp xây dựng công dân số, xã hội số và Chính phủ số ảnh 1

Từ ngày 20-10-2022, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thay thế căn cước công dân vật lý

>>> Quy định về những trường hợp bị khóa tài khoản định danh điện tử

Công dân phải có trách nhiệm với tài khoản định danh điện tử

Theo đó, Điều 32 quy định trách nhiệm chủ thể danh tính điện tử phải bảo vệ thông tin danh tính điện tử, an toàn yếu tố xác thực. Thông báo ngay cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử khi mất kiểm soát phương tiện xác thực hoặc phát hiện có người sử dụng trái phép danh tính điện tử của mình hoặc lý do khác có thể gây mất an toàn sử dụng dịch vụ.

Đối với bên sử dụng dịch vụ phải có trách nhiệm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về định danh và xác thực điện tử; Quản lý, bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử, bảo đảm sử dụng tài khoản định danh điện tử an toàn; Chịu trách nhiệm về các giao dịch đã thực hiện và quy định của các bên có liên quan đối với các giao dịch điện tử.

Cùng với việc quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, Điều 34 của Nghị định quy định trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử và cơ quan, tổ chức, cá nhân tự tạo lập tài khoản như cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho tổ chức, cá nhân trên cơ sở thỏa thuận bằng hợp đồng cung cấp dịch vụ.

Bảo đảm kênh tiếp nhận thông tin và việc sử dụng dịch vụ là liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần; Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, giao dịch điện tử, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực xác thực điện tử; Tuân thủ phương án, quy trình hoạt động cung cấp dịch vụ xác thực điện tử đã được Bộ Công an thẩm định; Gửi báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm về hoạt động xác thực điện tử cho cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử hoặc khi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử có yêu cầu.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tự tạo lập tài khoản phục vụ hoạt động của mình chịu trách nhiệm về tính chính xác của tài khoản do mình tạo lập; Bảo vệ dữ liệu cá nhân do mình thu thập, quản lý theo quy định của pháp luật; Bảo đảm được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu; Xóa dữ liệu đã thu thập, quản lý trong trường hợp có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, trừ trường hợp luật có quy định khác; Gửi báo cáo về hoạt động định danh cho cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử khi có yêu cầu.

Có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử tương đương như việc sử dụng căn cước công dân

Theo Nghị định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử, nếu chưa đủ 14 tuổi hoặc được giám hộ thì được đăng ký theo tài khoản của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Quy định này cũng áp dụng tương tự với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ. Mức độ 1 bao gồm các thông tin số định danh cá nhân, họ tên, ngày/tháng/năm sinh, giới tính và ảnh chân dung. Mức độ 2 bao gồm các thông tin như mức độ 1 và vân tay.

Đối với mức độ 1, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để chứng minh các thông tin cá nhân đã được tích hợp vào tài khoản. Ở mức độ 2, do đã tích hợp dấu vân tay, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD (hoặc tương đương hộ chiếu với trường hợp là người nước ngoài) khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD.

Tài khoản mức độ 2 còn có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Để đăng ký tài khoản định danh mức độ 1, công dân cần có thẻ CCCD gắn chíp, sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng VNEID. Tiếp đó, công dân sử dụng ứng dụng VNEID để nhập thông tin về số định danh cá nhân và số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNEID; thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNEID. Tiếp theo, cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNEID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

Để đăng ký tài khoản định danh mức độ 2, công dân cần có CCCD gắn chíp. Tiếp đó, công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ CCCD để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử.

Tại đây, công dân xuất trình thẻ CCCD gắn chíp, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.

Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu CCCD và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử. Cuối cùng, cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNEID, hoặc tin nhắn SMS, hoặc địa chỉ thư điện tử.

Trường hợp công dân chưa có thẻ CCCD gắn chíp, cơ quan công an sẽ tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ CCCD. Ngày 31-12-2022, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết hạn sử dụng. Thay thế cho 2 loại giấy tờ này là 7 phương thức khác, trong đó có sử dụng ứng dụng VNEID hiển thị các thông tin trên thiết bị điện tử. Do đó, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 sẽ rất cần thiết với người dân khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng.

Nguồn: anninhthudo.vn