VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Đến bệnh viện trong mùa dịch COVID-19: Ai cần đến khám, ai có thể trì hoãn?
Publish date 31/07/2021 | 17:13  | Lượt xem: 239

Trong điều kiện dịch COVID-19, người dân khi tới cơ sở khám bệnh cần cân nhắc tình trạng bệnh của bản thân.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người dân khi tới các cơ sở khám chữa bệnh, ngoài việc cần tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở y tế và biện pháp 5K của Bộ Y tế thì cũng cần phải cân nhắc tình trạng bệnh của bản thân.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh trong tình trạng chưa có dịch. Các địa phương đang thực hiện giãn cách phòng, chống dịch vẫn phải chuẩn bị nhiều phương án và phải chủ động, tích cực, có kế hoạch cụ thể để tiếp nhận, khám và điều trị bệnh nhân, đặc biệt là ưu tiên những trường hợp cấp cứu.

Zalo

PGS.TS Lương Ngọc Khuê.

Những trường hợp có thể trì hoãn được thì cơ sơ y tế cần hướng dẫn cho người bệnh, như bệnh mãn tính trước kia chỉ cấp thuốc 1 tháng nay có thể cấp thuốc 3 tháng. Các đối tượng ưu tiên, người cao tuổi, bệnh nền, người khuyết tật thì nên đưa ra những hướng dẫn và được y tế cơ sở theo dõi, chăm sóc, quản lý.

Với các trường hợp khác có thể sử dụng các nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa để nhận được sự tư vấn của các bác sĩ, đây là một trong những biện pháp hết sức quan trọng để giúp cho công tác phòng bệnh cũng như tư vấn, chữa bệnh cho bệnh nhân trong tình hình mùa dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.

Năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể là Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế đề xuất Chính phủ phê duyệt Đề án Khám chữa bệnh từ xa. Từ đó, nền tảng công nghệ số đã được quan tâm áp dụng tại các bệnh viện ở Việt Nam.

Đến nay, để đáp ứng tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố có dịch, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin kết nối trực tuyến với người bệnh như: Bệnh viện Đại học Y Dược Huế triển khai mô hình tư vấn - khám chữa bệnh miễn phí qua video call từ bệnh nhân đến bác sĩ phòng khám ngoại trú; trong đó có nền tảng ứng dụng tư vấn, khám chữa bệnh VOV Bacsi24.

“Tôi đánh giá các ứng dụng tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến là giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao năng lực của hệ thống y tế giúp cho người dân hiểu biết thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Trong đó, ứng dụng VOV Bacsi24 do Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng đã triển khai và đạt được những kết quả bước đầu, khá nhiều người dân tin tưởng và sử dụng.

Chúng tôi hy vọng hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người dân an tâm hơn khi có những thông tin tư vấn tin cậy, chính xác để nắm rõ tình hình sức khỏe bản thân và sàng lọc được các đối tượng cần đến bệnh viện, những trường hợp nào có thể trì hoãn đến khám tại bệnh viện trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay”, ông Lương Ngọc Khuê đánh giá.

Ứng dụng tư vấn, khám chữa bệnh VOV Bacsi24 đã kết nối được các thầy thuốc trình độ chuyên môn sâu, tâm huyết với nghề để tham gia việc tư vấn, khám sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trong mùa dịch COVID-19.

Để nhận tư vấn khám chữa bệnh từ các bác sĩ qua ứng dụng VOV Bacsi24, người dân có thể truy cập trang Web https://vovbacsi24.com/. hoặc tải ứng dụng về điện thoại từ kho ứng dụng với từ khóa VOV Bacsi24, hoặc http://onelink.to/qz8xmb.

Đến nay, ứng dụng VOV Bacsi24 có hơn 2000 bác sĩ có trình độ cao tham gia, với nhiều chuyên khoa, các nhóm bệnh từ cấp tính đến mãn tính. Với hàng trăm cuộc gọi bằng hình ảnh (Video call) một ngày, ứng dụng VOV Bacsi24 thực sự là một trong những giải pháp chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

                                                                                                                                                  Theo VTC News.